(96)
Theo đại biểu tham dự hội thảo, quy định về cấp giấy phép lái xe hiện nay đã lạc hậu so với thực tiễn.
Chiều 14-3, Bộ Công an tổ chức hội thảo Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB). Nội dung này nằm trong chuỗi hội thảo được Bộ Công an triển khai thực hiện liên tiếp thời gian qua, nhằm phân tích và đánh giá sự cần thiết khi xây dựng dự án luật nêu trên.
Trình bày ý kiến tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết việc ban hành dự án luật riêng về trật tự, an toàn GTĐB (trên cơ sở tách ra từ Luật GTĐB 2008) là rất cần thiết. Một trong những nội dung mà ông Hiểu dành nhiều thời gian trình bày, đó là về giấy phép lái xe (GPLX). Trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an đề xuất chia GPLX thành 11 hạng, thay vì 15 hạng như hiện nay.
Ông Hiểu cho rằng việc này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lái xe, phát sinh thủ tục cấp, đổi GPLX. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu, làm rõ lý do, sự cần thiết để tránh phát sinh thủ tục, gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
Đáng chú ý, phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu để “trẻ hóa” đối tượng được cấp GPLX hạng A01 – cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh 50-175 cm3.
Giải thích về vấn đề này, ông Hiểu cho rằng hiện nay việc học sinh THPT đi xe máy nói chung và mô tô nói riêng đến trường là một nhu cầu có thật và rộng khắp, nhất là ở các TP lớn. Thêm vào đó, khi bước vào cấp THPT, học sinh phải đi học trái buổi, ngoại khóa tại trường và đi học thêm khá nhiều, trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội…
Pháp luật hiện hành quy định người từ 16 tuổi trở lên được đi xe máy dưới 50 cc và từ 18 tuổi trở lên mới được học lấy GPLX để đi xe 50-175 cm3 (hạng A01). Thực tế, sự phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây, do vậy quy định hiện nay đã lạc hậu so với thực tiễn.
Tiếp lời, ông Hiểu dẫn chứng một số ví dụ, như ở Thái Lan, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ 110 cm3 trở xuống là 15 tuổi, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ trên 110 cm3 và ô tô là 18 tuổi; ở Mỹ, công dân từ 16 tuổi đã có thể thi lấy bằng lái ô tô…
Vẫn theo ông Ngọ Duy Hiểu, để đảm bảo tính khả thi của Luật Trật tự, an toàn GTĐB, dự án luật cần đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện trong các quy định. Cơ quan soạn thảo cần đảm bảo rõ thẩm quyền, tránh chồng chéo trong công tác quản lý, đảm bảo sự nghiêm minh trong thực hiện.
Ông Hiểu nhấn mạnh đến vấn đề chuyển đổi cơ quan quản lý đào tạo, cấp GPLX giữa Bộ GTVT và Bộ Công an cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia giao thông.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, thành viên Ban nghiên cứu chuyên đề, giúp việc bộ trưởng Bộ Công an, cho biết Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn GTĐB đã được Bộ Công an và Bộ GTVT chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Dù vậy, hiện trong hai dự án luật vẫn còn có một số vấn đề, nội dung có thể còn trùng lặp như về phương tiện GTĐB, sử dụng lòng đường, vỉa hè, tốc độ… Do đó, ban soạn thảo của hai bộ cần nghiên cứu, rà soát theo hướng những gì thuộc về trật tự an toàn giao thông và hoạt động của con người và phương tiện thì để ở Luật Trật tự, an toàn GTĐB; những gì “tĩnh” như đường bộ, vỉa hè, cấp phép… thì để ở Luật Đường bộ.
Ông Dũng cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm từng bộ, từng ngành, trách nhiệm đến đâu, nhất là trách nhiệm phân công, phân quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã vì trong dự thảo luật mới ghi chung là cấp chính quyền…
Phát biểu kết luận hội thảo, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết sau khi xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, ban soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB sẽ hoàn thiện dự thảo, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ ba để xem xét thông qua vào kỳ họp thứ tư.
Trong dự thảo lần sáu về Luật Trật tự, an toàn GTĐB, Bộ Công an đề xuất phân loại GPLX thành 11 hạng, với các tên gọi có sự khác biệt so với hiện nay, gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E và DE.
Trong đó, hạng A01 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh 50-175 cm3 . Hạng A2 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh trên 175 cm3. Hạng A3 cấp cho người lái mô tô ba bánh.
Hạng B cấp cho người lái ô tô chở người đến chín chỗ, kể cả chỗ của người lái xe; ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg… (không chia thành B1 và B2 như hiện nay).
Nguồn: https://plo.vn/do-thi/de-xuat-giam-do-tuoi-duoc-cap-giay-phep-lai-xe-1048407.html
Bình luận